ThaiDuong-Jupiters 530

NGUYEN NGOC HANH

Home
Our Purpose
530-List
530-history
Stories/poems
Members Page
The Road
Picture Gallery
Links

Nhiếp Ảnh Gia Nguyễn Ngọc Hạnh
 


Hình 1: Nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh trong cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật của ông cùng hai nhiếp ảnh gia Nguyễn Khải và Phạm Hiếu

Những ai đã từng lớn lên thời chiến tranh chắc không thể không biết nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh với những bức hình nói về cuộc chiến tại Việt Nam đầy tính nhân bản.

Trong những năm phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, có một biến cố khiến ông trở thành một nhiếp ảnh gia nổi tiếng sau này. Trong một cuộc giao tranh ở Bồng Sơn, Quảng Nam, ông từ chối ra lệnh cho binh sĩ ném lựu đạn xuống hầm để tiêu diệt Việt Cộng. Lý do rất đơn giản, Việt Cộng đã bắt cả gia đình người dân xuống hầm chung với chúng, giết chúng là giết thêm 5, 6 thường dân vô tội. “Ðành rằng là một quân nhân phải tuyệt đối phục tùng mệnh lệnh, nhưng lệnh của trái tim tôi không cho phép tôi làm chuyện đó nữa sau khi đã chứng kiến mười mấy căn hầm như vậy. Tôi xin chấp nhận hình phạt.”

Trở về Bộ Tổng Tham Mưu nhận hình phạt thì được Tướng Thanh, Phòng I nhìn ra khả năng nhiếp ảnh của ông do ông đã có 4 năm học bên Pháp nên cho phép ông phục chức và điều ra mặt trận làm phóng viên chiến trường.

Thế là ông đi từ chiến trường này đến chiến trường kia. Những bức hình của ông đã giới thiệu cho thế giới biết cuộc chiến tranh Việt Nam như thế nào, và người lính Việt Nam Cộng Hòa nhân bản ra sao. Trong thời gian này, ông viết cuốn sánh “Việt Nam Khói Lửa” và xuất bản được một cuốn sách hình, lưu lại những hình ảnh sống động của cuộc chiến.

Những bức hình ông chụp được mọi người ngưỡng mộ không phải là những hình thời sự. Ông chỉ là người tái tạo lại những câu chuyện đã xảy ra qua góc nhìn của một người lính cầm máy hình. Tất cả hầu như đều được dàn dựng công phu, tỉ mỉ để nói lên sự thật, mà theo ông “Lịch sử phải được dựng lại với tất cả lòng kính trọng.”

Trong khuôn khổ trang Người Việt Trẻ, chúng tôi giới thiệu đôi nét về ông và một số tác phẩm với từng hoàn cảnh ra đời của nó, qua lời kể của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh.



Hình 2: Dựng cờ

“Trong cuộc tổng công kích Tết Mậu Thân 1968 tại Huế, Việt Cộng đã chiếm được Ðại Nội, họ chuẩn bị sẵn một lá cờ rất lớn treo lên cột cờ tại đây. Chúng ta phản kích và lấy lại được khu đất này. Trong khi vẫn còn những ụ súng phản kháng của Việt Cộng thì một trung sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa trèo lên cột cờ, xé tan lá cờ Việt Cộng và treo lá cờ của mình lên. Khi vừa leo xuống đến khoang đứng trên cùng thì anh bị Việt Cộng hạ sát, té rớt xuống đất. Lúc đó tôi còn bên kia sông Hương, cầu Tràng Tiền đã bị gãy, và tôi phải tìm cách vượt qua sông để vào Ðại Nội. Sau 45 phút dưới làn đạn địch, cuối cùng tôi cũng đến được nơi đó. Tôi được thuật lại rằng: khi người trung sĩ hy sinh, bà vợ của ông ta từ trại gia binh gần đó chạy ra, khóc lóc thảm thiết. Tiểu đoàn trưởng Tiểu Ðoàn 81 Hắc Báo 81 bọc lá cờ Việt Nam Cộng Hòa cho người trung sĩ và chuyển anh ta về tuyến sau. Sau đó Tiểu Ðoàn 81 Hắc Báo truy lùng tàn quân Việt Cộng và dẹp sạch số còn lại ẩn nấp gần đó. Hôm sau tôi quay lại đúng lúc đơn vị Hắc Báo chuẩn bị rút khỏi Ðại Nội, tôi xin thiếu tá tiểu đoàn trưởng cho chụp một bức hình ghi nhận công lao của đơn vị. Ðược sự đồng ý của ông, tôi mới sắp xếp chỗ đứng cho các đơn vị chung quanh cột cờ. Sau đó tôi đề nghị mọi người giơ súng reo hò ‘Việt Nam Cộng Hòa Vạn Tuế! Việt Nam Cộng Hòa Vạn Tuế!... ’ ’ ’ Bức hình được chụp trong hoàn cảnh đó.”


Hình 3: Tấn công

“Tại mặt trận Bồng Sơn, Quảng Nam khoảng năm 1965-1966, tôi dẫn một đại đội +, tức là khoảng gần 100 binh sĩ chiếm cứ một ngọn đồi trong vùng. Việt Cộng cũng chiếm một ngọn đồi khác, cao hơn gần đó. Ban ngày hai bên đều thấy rõ những hoạt động của nhau như di chuyển, đào hầm hố... Tôi nhận định là tụi nó sẽ tấn công chúng tôi vào ban đêm nên cho anh em chuẩn bị hầm hố cẩn thận và yêu cầu hậu cứ tiếp tế lựu đạn. Hôm sau, trời vừa nhá nhem tối thì họ tấn công. Tôi lệnh cho binh sĩ dùng lựu đạn để đẩy lui bọn chúng, súng chỉ được dùng trong lúc đánh xáp lá cà. Ðánh bằng lựu đạn rất hiệu quả nhưng cũng rất nguy hiểm vì chúng tôi phải ước lượng được từ nơi đóng quân đến chỗ Việt Cộng la xung phong để sau khi rút chốt phải đếm giây trước khi ném. Nếu đếm sai, nhất là bị chậm, sẽ dẫn đến tử thương. Tôi vừa chỉ huy vừa quan sát cách rút chốt lựu đạn của binh sĩ, và thấy được những khuôn mặt căng thẳng và quyết tâm của binh sĩ. Năm giờ sáng hôm sau thì Việt Cộng rút, để lại một số xác. Hôm đó tôi kêu một anh lính người gốc Miên, mua cho anh một xị rượu cho anh uống, rồi dẫn anh ta xuống chân đồi cùng 2 két lựu đạn bảo anh ta quăng thật. Thế giới biết đến tôi nhiều cũng qua tấm hình này.”


Hình 4: Tiếc thương

“Khoảng năm 1965, Việt Cộng tấn công vào một đồn lính ở Củ Chi, ngoại thành Sài Gòn. Chúng tôi đến giải vây. Khi Việt Cộng rút đi, họ để lại 6 xác chết không đầu của những người Nhân Dân Tự Vệ. Chúng tôi đến chỗ để xác thì thấy một cô gái khóc lóc thảm thương, đang lần mò tìm xác chồng. Tôi giúp cô tìm thẻ bài để nhận diện, sau đó cho cuốn xác tất cả lại đem về. Hôm sau tôi đến nhà cô gái mong có thể chụp một tấm hình của cô nhưng cô vẫn khóc lóc thảm thương quá nên không thực hiện được. Khi về dưỡng quân ở rừng cao su Ngã Ba Ông Tạ, tôi nhờ con gái tôi, lúc đó 11 tuổi tìm giúp một người bạn gái nào đó có một hoàn cảnh tương tự như cô gái ở Củ Chi để dựng tấm hình ‘Tiếc thương’. Cô Tâm là người con gái mà con tôi tìm được. Hiện nay cô đang sống tại thành phố Oklahoma. Lúc đó cô mới 19 tuổi, ý trung nhân của cô trong một chuyến bay nhảy toán ngoài Bắc bị Bắc Việt bắn rơi máy bay và bị bắt làm tù binh. Tôi đến gặp gia đình cô và xin phép được mời cô đi chụp hình với tôi. Gia đình cô đồng ý. Chỗ chụp hình là một quán bia ở xa lộ Biên Hòa. Tôi nhờ một anh bạn biết thổi sáo và nói anh ta ngồi phòng bên cạnh chơi những bản nhạc chiêu hồn như chương trình đài Saigon. Con tôi cũng ở đó, đọc những lá thư của ý trung nhân cô Tâm viết cho cô. Tôi chải tóc cho cô như trong hình, đưa tấm thẻ bài cho cô cầm, tấm thẻ bài này tôi mua chợ đen, một tấm thẻ bài được làm từ thời Pháp. Trong không khí u buồn, và bị tác động bởi tiếng sáo não lòng cùng với những lời lẽ trong bức thư của ý trung nhân, cô ta khóc nấc lên. Những giọt nước mắt lăn trên má, rớt xuống tay là những giọt nước mắt thật. Hai giọt nước mắt trên tấm thẻ bài là do tôi tạo ra. Chụp được 6 tấm thì cô tỉnh lại, không khóc nữa. Ðây là tấm hình lúc cao điểm nhất khi cô ấy nấc lên.”


Hình 5: Hạnh phúc trong tầm tay

“Năm 1973, tôi nghe rằng ở Bạc Liêu có một người như trong hình, tức là bị cụt tay chân nên đến đó nhờ ông tỉnh trưởng dẫn tới nhà chụp hình. Ðây là một anh Nhân Dân Tự Vệ trong thôn có nhiệm vụ mở đường mỗi sáng. Một buổi sáng anh xâm được quả mìn Việt Cộng gài đêm trước, sắp đưa được nó lên thì quả mìn phát nổ. Anh bị cụt một tay và một chân trái. Tới nhà anh, một ngôi nhà lá đơn sơ, chỉ có hai cha con ở nhà, người vợ đi bán buôn ở chợ. Anh nấu cơm, cho gà ăn, giặt quần áo, và làm tất cả mọi việc có thể làm để giúp vợ. Ðến khi anh ru con anh ngủ thì tôi biết rằng mình đã gặp một tuyệt tác phẩm. Anh quên hẳn mình là người tàn tật đùa với đứa con trai nằm trên võng, thằng bé cũng đùa với bố một cách vô tư và hạnh phúc.”


Hình 6: Mầm măng non

“Ðây là hai đứa con tôi. Hương và Tuấn. Và hậu cảnh là một đồn canh tại Bình Chánh trước năm 1968. Ðây là một đồn canh rất mong manh, trong đó có 15 anh Nhân Dân Tự Vệ bảo vệ. Một đêm, khoảng một đại đội Việt Cộng tràn vào và 9 anh đã hy sinh trong khi chiến đấu. Trận chiến tuy nhỏ nhưng ác liệt vì các anh đã hết sức chống lại sự xâm nhập của Việt Cộng dù chỉ được trang bị vũ khí không bằng địch. Khi chúng tôi đến giải vây thì đồn canh tan hoang vì đạn pháo, xác các anh nằm la liệt trong đồn. Tôi cho binh sĩ mai táng cho các anh, dọn dẹp đồn canh cho sạch. Chúng tôi đóng quân lại và chuẩn bị mọi thứ ‘đón tiếp’ nếu địch quay lại và lên kế hoạch hành quân tìm địch. Hai tháng sau, nhớ con quá nên tôi cho đem hai đứa con tôi lên đơn vị chơi. Mua cho hai cháu 2 bộ quần áo mới màu đỏ và vàng để tạo màu lá cờ và để cho hai cháu chơi trong đồn canh đó. Tôi muốn nói với mọi người rằng những mầm măng non của đất nước sẽ lớn lên trên đống hoang tàn của chiến tranh nhờ sự hy sinh của người lính Việt Nam Cộng Hòa.”


Hình 7: Vá cờ

“Trong trận chiếm lại Ðại Nội, Huế năm 1968, tôi có gặp vợ người trung sĩ tử trận. Tôi ghé nhà chị mong chụp được một tấm hình chân dung người góa phụ nhưng không được. Trước nỗi tiếc thương người chồng vừa mất, tôi không muốn chị phải đau thêm. Thế rồi khi qua Mỹ tôi lại tình cờ gặp lại chị trong khu chợ Lion ở San Jose, ý định chụp tấm hình vá cờ trở lại, nhưng chị đã già đi nhiều, không thích hợp và tôi đành phải đi tìm người khác.”

“Tôi quen với anh chị Hải Bằng, chị bằng lòng làm người mẫu cho tôi chụp bức hình ‘Vá cờ’ này. Tôi mua một cái nón sắt ở chợ trời, mượn cây súng trường của anh bạn Bùi Ðức Lạc là cả một chuyện khó khăn. Tôi dùng hai thứ đó làm hậu cảnh. Lá cờ được tôi đốt lỗ chỗ để chị ấy vá. Chị cứ ngồi vá cờ và tôi cứ chụp. Ðến động tác như trong hình thì tôi nói chị giữ nguyên động tác đó, tôi mở hé cửa sổ chỉ cho một phần ánh sáng rọi vào lá cờ, rọi vào nón sắt. Tuyệt vời. Bức hình chỉ có một ý nghĩa duy nhất: Chúng ta hãy vá lại những mảnh đời, những mảnh tình, những đơn vị chia rẽ, vá lại tình đoàn kết.”


Hình 8: Hai cha con

Gia đình anh bạn trong hình ở San Jose. Tôi đến nhà một cô học trò và gặp anh đang sửa chữa nhà cho chị ấy. Nhà anh cũng ở cạnh và con anh, đứa bé trong hình hay chạy qua trò chuyện với anh. Tôi thấy hình ảnh hai cha con đẹp quá nên mới đề nghị được chụp hình hai cha con. Chủ đề tôi muốn là một buổi gặp gỡ hai cha con khi người cha từ chiến trận trở về. Tôi nói với anh hãy cố tạo những câu chuyện kể cho cậu bé nghe và để cho bé đặt những câu hỏi. Hai cha con thật tự nhiên trò chuyện, thằng bé đặt nhiều câu hỏi cho cha mình và cười thật tươi. Một tấm hình thật đẹp, thật yên bình.


Hình 9: Chân dung người lính

Tôi có một người bạn học tên Tuấn học chung tại trường Tarbert, Sài Gòn. Chúng tôi cùng đi lính, và sau này về chung một đơn vị. Tôi là tiểu đoàn phó Tiểu Ðoàn 1 Nhảy Dù, anh là đại đội trưởng Ðại Ðội 2. Hôm đụng trận ở Ðất Cuốc, Củ Chi, đơn vị anh đổ bộ xuống cánh đồng trống thì bị phục, ngay đợt đầu tiên chúng tôi đã bị thương vong. Từ trong những bó rơm lớn, Việt Cộng núp trong đó bắn ra đội hình chúng tôi. Trong trận đánh này, anh Tuấn hy sinh. Sau này tôi hay mơ thấy anh về đứng bên giường tôi với đôi mắt như trong bức hình này. Anh cứ đứng nhìn tôi một cách buồn thảm rồi biến mất. Khi qua Mỹ chỉ được 2, 3 ngày thôi anh lại về với tôi trong giấc mơ, cũng nhìn tôi với đôi mắt như thế này. Giật mình tỉnh dậy, tôi nghĩ là anh theo tôi qua tới đây. Cố gắng ngủ lại, tôi lại thấy anh, anh như muốn nói với tôi rằng ‘Bây giờ niên trưởng tới đất Mỹ bình an, nhưng đừng quên những phút tác chiến bên nhau. Xin đừng quên những ngày gian khổ.’ Tôi cầu nguyện cho anh và hứa với lòng sẽ cầu nguyện cho anh suốt đời, và có ý định tìm người mẫu để tái tạo lại cái nhìn của anh Tuấn. Nhờ ơn trên, tôi gặp được anh Dư trong một buổi sinh hoạt Gia Ðình Mũ Ðỏ. Tôi kể cho anh Dư nghe câu chuyện của anh Tuấn, anh đồng ý giúp tôi. Lúc chụp hình tôi mở cho anh nghe những bài nhạc hành quân oai hùng. Khi bài nhạc đang ở cao trào, tôi xin anh đứng lên và chào cờ theo nghi lễ quân cách. Anh đứng lên chào và nhìn thẳng vào lá cờ tôi treo sau máy hình. Tấm hình được thực hiện như thế, còn kỹ thuật rửa hình là phần của tôi để tạo được tác phẩm này. Bức hình đã tái tạo lại được cái nhìn của một chiến sĩ đã hy sinh, như đang nói giùm những người đã nằm xuống rằng ‘Em thì đã đành rồi, người trưởng thượng thì vẫn còn sống. Thế thì nhiệm vụ của các anh chưa hết đâu, các anh phải tiếp tục phục vụ đất nước.’”


Trích Tiếng Nói Tự Do Dân Chủ

Người yêu ảnh nghệ thuật có thể liên lạc với nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh tại địa chỉ 1295 McLaughlin Ave. # 141, San Jose, California 95122, phone 408-287-3249

Thai Duong 530 Fighter Squadron, A-1 Skyraiders, Cu-Hanh-Pleiku Air Base, Vietnam